Trong khi một vài ngành hàng đang có xu hướng giảm như bia, nước ngọt có ga,… thì hai ngành “Chăm sóc vệ sinh cá nhân” và “Thực phẩm ăn liền” đang chứng kiến sự tăng trưởng tích cực từ tác động của dịch COVID-19.
Ngành “Thực phẩm ăn liền”
Sợi ăn liền
Số liệu nghiên cứu mới nhất của Nielsen cho thấy ngành sợi ăn liền đang có mức tăng trưởng ấn tượng, 67% trong tháng 2 vừa qua. Trong tâm lý hoang mang, người dân đổ xô đến các siêu thị, cửa hàng, chợ dân sinh để tích trữ mỳ ăn liền, có người mua đến cả chục thùng mì. Nhiều siêu thị như CoopMart, Big C đã phải đưa ra giới hạn mỗi khách hàng chỉ được mua tối đa 2 thùng mì nhằm đảm bảo mặt hàng này được phân phối đồng đều.
TS.Lê Quang Minh, Viện Công nghệ & Nhân lực Quốc tế cho biết: “Mì ăn liền là mặt hàng thực phẩm được người dân Việt Nam sử dụng phổ biến mỗi khi có địch họa, thiên tai, dịch bệnh và cũng là một trong các mặt hàng cứu trợ chính trong các thảm họa. Với tính chất gọn, nhẹ, dễ vận chuyển, chế biến nhanh, có thể ăn chín hoặc sống tạm thời (mặc dù gây hại cho sức khỏe), giá thành rẻ, mì ăn liền là mặt hàng được người dân ưu tiên lựa chọn hàng đầu trong việc tích trữ lương thực, thực phẩm tại nhà”.
Thực phẩm đông lạnh
Theo số liệu của Nielsen, các mặt hàng thực phẩm đông lạnh cũng có mức tăng trưởng ấn tượng với con số 40% trong tháng 2 vừa qua. Lo sợ dịch COVID-19 có thể kéo dài, nhiều người dân đã tìm mua thực phẩm dự trữ để tránh ra ngoài và tiếp xúc với nhiều người. Bên cạnh đồ khô, thịt hộp, rau củ, người dân tìm mua thực phẩm đông lạnh để dự trữ nhằm duy trì thói quen ăn uống tại nhà trong thời điểm nhạy cảm này, tránh ăn uống bên ngoài dễ khiến dịch bệnh lây lan. Thực phẩm đông lạnh có thể bảo quản được lâu, có phần “tươi” hơn đồ khô nên người dân mua với số lượng lớn dùng cho cả tuần, hạn chế số lần đi siêu thị.
Xúc xích tiệt trùng
Mặt hàng này đã có mức tăng trưởng 19% trong tháng 2 vừa qua (số liệu Nielsen). Lý giải điều này, Viện Công nghệ & Nhân lực Quốc tế (ITIM) cho biết: “Trẻ em là đối tượng khá kén chọn trong vấn đề ăn uống. Đối với người lớn, việc ăn uống có thể dễ dàng, nhưng đối với trẻ em điều này lại khó. Nhiều bậc phụ huynh vốn dĩ đã đau đầu trong việc ăn uống của con, nay có thêm dịch bệnh, lại càng đau đầu hơn. Trong khi đó, xúc xích là thức ăn yêu thích của trẻ em ở mọi lứa tuổi. Giữa tình hình dịch Covid-19, nhiều trường học từ bậc mầm non đến THPT, Đại học đều cho học sinh, sinh viên nghỉ học nhằm tránh dịch. Để con cái ở nhà, các bậc phụ huynh không tránh khỏi việc phòng xa dự trữ thức ăn cho con, hạn chế để trẻ ra ngoài, và xúc xích là lựa chọn đầu tiên họ nghĩ đến”. Ngoài ra, xúc xích là đồ ăn dễ kết hợp, có thể kết hợp với bánh mì, mỳ ăn liền, dùng làm đồ ăn sáng rất phù hợp trong bối cảnh hạn chế ra ngoài ăn sáng như hiện nay.
“Như vậy, tâm lý lo xa cùng thói quen tích trữ đồ ăn mỗi khi xảy ra thảm họa của người dân đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành “thực phẩm ăn liền” – ITIM
Ngành “Chăm sóc vệ sinh cá nhân”
Nước xúc miệng
Tăng trưởng 78% là con số của mặt hàng nước xúc miệng trong tháng 2 vừa qua (số liệu Nielsen). Với khuyến cáo virus Corona được lây nhiễm qua hạt bắn dịch tiết hô hấp của người bị bệnh đến mắt, mũi, miệng, người tiêu dùng đã biết tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân hơn qua việc xúc họng bằng dung dịch sát khuẩn hằng ngày, chặn ngay đường vào của virus. Theo TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) – Người trực tiếp điều trị thành công cho hai cha con người Trung Quốc nhiễm virus corona, chốt chặn cuối cùng trong việc phòng chống lây nhiễm chính là vùng hầu họng. Các virus sau khi nhân lên phá vỡ tế bào chui ra ngoài cần có dung dịch sát khuẩn đợi sẵn để tiêu diệt nó. Đây sẽ là cứu cánh sau cùng để phòng chống nhiễm bệnh cũng như phát tán bệnh.
Như vậy, người tiêu dùng đã tập trung vào mặt hàng nước xúc miệng nhằm phòng tránh lây lan dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho bản thân.
Chăm sóc cơ thể
Các mặt hàng trong ngành Chăm sóc cơ thể là xà phòng, sữa tắm, nước rửa tay đã có mức tăng trưởng 45% trong tháng 2 vừa qua (số liệu Nielsen). Cũng với khuyến cáo virus Corona được lây nhiễm qua bề mặt chứa dịch tiết hô hấp của người bị bệnh và biên pháp ngăn chặn là rửa tay thường xuyên bằng xà phòng với nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn chứa cồn, người tiêu dùng đã mua và dự trữ xà phòng, dung dịch rửa tay khô nhằm hạn chế tối đa khả năng lây bệnh cho bản thân. Thậm chí tại Việt Nam, đã có nguyên một bài “về rửa tay” là Ghen Cô Vy được đón nhận nồng nhiệt đã cổ vũ thêm cho thói quen này của người dân. Bảo sao nước rửa tay không được tiêu thụ mạnh!
Khăn giấy
Mức độ tiêu thụ khăn giấy đã tăng trưởng 35% trong tháng 2 vừa qua (số liệu Nielsen). Không khó hiểu khi mặt hàng này tăng trưởng mạnh trong tình hình dịch bệnh vì nó giải quyết nhu cầu vệ sinh cần thiết của mọi người tiêu dùng. Tuy nhiên, một trong những khuyến cáo trong phòng chống lây lan dịch COVID-19 được phổ biến rộng rãi là che miệng và mũi bằng khuỷu tay hoặc khăn giấy uốn cong khi ho hoặc hắt hơi, khử trùng sạch các bề mặt có nguy cơ dính dịch tiết hô hấp, cũng đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng tiêu thụ khăn giấy.
“Như vây, có thể thấy mọi người dân đều được tiếp cận thông tin rất tốt về các biện pháp phòng tránh dịch COVID-19, dẫn đến việc tiêu thụ những mặt hàng thiết yếu trong công tác phòng dịch của mỗi cá nhân” – ITIM