Đóng cửa biên giới trên đất liền
Ngày 18/03, Bộ Ngoại giao Myanmar tuyên bố đóng cửa tất cả các trạm kiểm soát biên giới dành cho du khách quốc tế như một biện pháp phòng ngừa Covid-19, đồng thời đình chỉ tạm thời việc nhập cảnh đối với công dân nước ngoài tại tất cả các trạm biên giới cho đến khi có thông báo mới.
Trước đó, biên giới với Ấn Độ tại Moreh-Tamu và Zokhawtar-Rikhawdar đã đóng cửa từ đầu tháng 3. Các trạm kiểm soát biên giới với Trung Quốc ở bang Kachin và phía bắc bang Shan, Thái Lan và Lào cũng đã đóng cửa. Cư dân sinh sống tại hai phía biên giới vẫn có thể qua lại nhưng phải thực thi kiểm tra sức khỏe và đo thân nhiệt.
Myanmar có khoảng 27 trạm kiểm soát biên giới trên đất liền với Bangladesh, Ấn Độ, Trung Quốc, Lào và Thái Lan. Tuy nhiên, không phải tất cả các trạm kiểm soát đều mở cửa cho khách du lịch quốc tế. Bộ Khách sạn và Du lịch Myanmar cho biết, vào năm 2019 đã có khoảng 200.000 du khách nước ngoài đến Myanmar mỗi tháng thông qua biên giới trên đất liền, phần lớn là du khách đến từ Trung Quốc, Thái Lan, Úc, Anh, Ấn Độ, Malaysia và Singapore.
Ngay sau khi thông báo trên được đưa ra, hàng ngàn công nhân Myanmar di trú tại Thái Lan đã quay trở về quê hương.
Hạn chế các chuyến bay và nhập cảng quốc tế
Các chuyến bay giữa Trung Quốc và Myanmar đã bị ngưng hoạt động từ tháng 2. Trước đó, Myanmar cũng đã cho quay đầu một chuyến bay trở lại Quảng Châu vào cuối tháng 1, sau khi có một hành khách có triệu chứng giống Covid-19.
Đầu tháng 3, Myanmar cũng đã cấm một tàu du lịch cập cảng ở Yangon với lý do lo ngại tàu này đã đi qua các vùng có dịch.
Thực hiện cách li
Myanmar đã ra quyết định bắt buộc cách li và giám sát 14 ngày đối với những người đến từ các quốc gia bùng phát mạnh dịch Covid-19, bao gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Ý, Iran, Pháp, Đức và Tây Ban Nha, ngay sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu vào ngày 12/03. Trước đó, khách du lịch đã từng đến thăm tỉnh Hồ Bắc ở Trung Quốc và Daegu ở Hàn Quốc trong thời gian gần nhất cũng bị cấm nhập cảnh vào quốc gia này.
Chính phủ Myanmar đã sắp xếp các khu cách ly cho công dân trở về từ nước ngoài tại các tu viện (monasteries), sân vận động và khách sạn ở Yangon. Bộ trưởng Y tế nước này cũng kêu gọi các công dân là công nhân di trú từ phía bên kia biên giới trở về thực hiện tự cách ly tại nhà trong 14 ngày.
Ngay sau khi phát hiện những trường hợp dương tính SARS-CoV-2 đầu tiên vào ngày 24/03, Myanmar đã bổ sung thêm một số biện pháp cách li nhằm hạn chế sự lây lan, bao gồm: Tất cả các công dân Myanmar về nước đều phải cách ly tại các cơ sở y tế trong vòng 14 ngày sau khi nhập cảnh. Tất cả các công dân nước ngoài, các nhà ngoại giao, quan chức Liên Hợp quốc làm việc tại Myanmar phải xuất trình giấy chứng nhận đã xét nghiệm và âm tính với SARS-CoV-2 được cấp trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay; và được yêu cầu cách ly tại các cơ sở y tế (hoặc tại nhà đối với các nhà ngoại giao, quan chức LHQ) trong vòng 14 ngày sau khi nhập cảnh vào Myanmar. Các biện pháp này sẽ có hiệu lực từ 00h00 ngày 25/03/2020 và thay thế cho các biện pháp đã được công bố trước đó.
Hủy bỏ lễ hội té nước Thingyan và các lễ hội truyền thống khác
Thingyan là lễ hội té nước đánh dấu năm mới của người Miến Điện, được dự kiến tổ chức vào ngày 13-16/04 hàng năm. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của Myanmar với nhiều hoạt động vui chơi ngoài trời như té nước, diễu hành, ca múa.
Chính phủ Myanmar đã ra quyết định hủy bỏ Thingyan và các lễ hội truyền thống Phật giáo, cũng như các lễ kỷ niệm khác từ ngày 15/03 đến ngày 30/04.
Đóng cửa trường mầm non, rạp chiếu phim
Tất cả các rạp chiếu phim và trường mẫu giáo công lập, dân lập trên toàn quốc được yêu cầu đóng cửa từ ngày 16/03 cho đến cuối tháng Tư. Các cuộc tụ họp đông người cũng đã bị cấm. Tuy vậy, các quán bar và nhà hàng vẫn được mở.
Phòng dịch tại các nhà thờ
Các nhà thờ Công giáo vẫn mở cửa cho Thánh lễ hàng ngày và lễ vào ngày Chủ nhật, nhưng các giám mục đã ban hành các hướng dẫn và kêu gọi các tín đồ bị sốt, ho hoặc hắt hơi tránh đến nhà thờ. Nhiều nhà thờ cũng đã cung cấp xà phòng hoặc dung dịch rửa tay khô cho những người đến làm lễ, trong khi một số nhà thờ khác đã giới hạn số lượng người tới tham dự các buổi lễ.
Tổng Giám mục Marco Tin Win của Mandalay – thành phố lớn thứ hai Myanamar đã kêu gọi các linh mục chỉ đưa ra các bài thuyết pháp ngắn và cho phép các tín đồ nhận lễ ban Thánh thể chỉ bằng tay, giảm số lượng bài hát trong các buổi Thánh lễ.
Công ước Baptist Myanmar đã kêu gọi tất cả các nhà thờ Baptist hạn chế số lượng tín đồ và không tổ chức bất kỳ buổi lễ nào với số lượng người tham dự lớn cho đến ngày 30/04.
Đức Hồng Y Charles Bo (Yangon) trong một bài thuyết pháp ngày 22/03 cho biết: “Tình hình dịch Covid-19 là không chắc chắn và chúng ta không biết được chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày mai”.
Đủ bộ kit xét nghiệm SARS-CoV-2
Bác sĩ Stephan Paul Jost – Đại diện của WHO tại Myanmar đảm bảo có đủ bộ kit xét nghiệm SARS-CoV-2 tại quốc gia này. Cho đến cuối tháng 2, Myanmar đã phải gửi mẫu các trường hợp nghi nhiễm virus Corona mới sang Thái Lan để xét nghiệm. Nhưng kể từ ngày 20/02, Phòng thí nghiệm Y tế Quốc gia của Myanmar đã được trang bị bộ dụng cụ xét nghiệm Covid-19 cùng các máy móc khác do các quốc gia Thái Lan, Nhật Bản, Mỹ, Singapore và Trung Quốc tài trợ. Bác sĩ Jost cho hay, mỗi bộ xét nghiệm được sử dụng một lần, nhưng một bệnh nhân bị nghi ngờ sẽ phải được kiểm tra ít nhất ba lần cho chính xác. “Hiện tại, Myanmar có ít nhất 5.000 bộ kit xét nghiệm, có thể dùng cho khoảng 1.700 người”, ông nói.
“Myanmar sẽ không bị hết các bộ kit xét nghiệm sớm, không cần phải hoảng sợ”, Bác sĩ Jost cho biết, các kế hoạch đang được tiến hành nhằm giúp Myanmar có thêm các bộ kit xét nghiệm, bao gồm cả việc Hàn Quốc sẽ tài trợ thêm. Đến nay, Myanmar đã xét nghiệm ít nhất 215 người kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.
Bác sĩ Jost thừa nhận hệ thống chăm sóc sức khỏe của Myanmar còn thiếu sót, đó là lý do tại sao chính quyền đã áp dụng các biện pháp bảo vệ an toàn kể từ khi dịch bệnh khởi phát tại Trung Quốc. Tiến sĩ Jost cho biết, ưu tiên hàng đầu của Myanmar hiện nay là “tiếp tục mở rộng xét nghiệm, tiếp tục theo dõi, cách ly virus và ngăn chặn chuỗi lây truyền”.
Vừa qua, các nhà quan sát cũng bày tỏ sự quan ngại về việc các trường hợp bị bỏ sót chưa được xét nghiệm tại Myanmar cho đến khi phát hiện các ca nhiễm đầu tiên vào hôm thứ Hai ngày 23/04.
Theo Viện Công nghệ & Nhân lực Quốc tế, đã có những lo ngại về việc một số công nhân Myanmar di trú trở về từ các quốc gia giáp biên giới có khả năng sẽ lây truyền virus SARS-CoV-2. Myanmar đã thực hiện rất hạn chế các xét nghiệm. Quốc gia với 55 triệu dân này mới thực hiện khoảng 300 xét nghiệm vào tối thứ Hai vừa rồi. Nếu dịch Covid-19 xuất hiện nhiều hơn ở Myanmar như các quốc gia Đông Nam Á khác, đây sẽ là một áp lực vô cùng lớn lên hệ thống chăm sóc y tế tại đây, vốn đã yếu và được xếp hạng tồi tệ nhất thế giới sau nhiều thập kỷ bị lãng quên dưới sự cai trị của quân đội.