Myanmar ghi nhận 02 ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên từ đầu tuần và tăng lên 08 ca tính đến ngày hôm nay (28/03). Đất nước 55 triệu dân này mới chỉ thực hiện khoảng hơn 300 xét nghiệm cho hơn 215 người, dù có đường biên giới dài với Trung Quốc. Đã có những lo ngại về việc xét nghiệm tại quốc gia này bị hạn chế, trong khi hệ thống y tế công cộng, cơ sở vật chất, hạ tầng yếu kém, nơi người dân đã quen với việc sống và chết mà không có chăm sóc y tế đúng cách. Nếu Covid-19 tiến triển tại Myanmar như các quốc gia Đông Nam Á khác, đây có thể sẽ là một áp lực vô cùng lớn đặt lên quốc này này.

Đại sứ Singapore tại Myanmar - Vanessa Chan (trái) bàn giao các vật tư y tế tài trợ của Singapore cho Giám đốc Phòng thí nghiệm Y tế Quốc gia Myanmar - Htay Htay Tin, bao gồm 3.000 bộ xét nghiệm chẩn đoán và hai máy phản ứng chuỗi Polymerase (PCR)
Đại sứ Singapore tại Myanmar – Vanessa Chan (trái) bàn giao các vật tư y tế tài trợ của Singapore cho Giám đốc Phòng thí nghiệm Y tế Quốc gia Myanmar – Htay Htay Tin, bao gồm 3.000 bộ xét nghiệm chẩn đoán và hai máy phản ứng chuỗi Polymerase (PCR)

Xét nghiệm virus bị hạn chế

Giai đoạn đầu khi đại dịch Covid-19 mới bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc), Myanmar chưa nghiên cứu và tạo ra được các bộ kit xét nghiệm SARS-CoV-2, cũng như không thể tự thực hiện các xét nghiệm. Nước này đã phải gửi mẫu các trường hợp nghi nhiễm virus sang Thái Lan để xét nghiệm. Tình trạng này diễn ra cho đến ngày 20/02, Phòng thí nghiệm Y tế Quốc gia của Myanmar đã được trang bị các thiết bị, dụng cụ xét nghiệm và một số máy móc khác do các quốc gia Thái Lan, Nhật Bản, Mỹ, Singapore và Trung Quốc việc trợ. Có thể nói trong giai đoạn đầu của đại dịch, quốc gia này đã bị hạn chế về xét nghiệm.

Chia sẻ với Reuters về một lời giải thích cho việc thiếu các trường hợp nhiễm Covid-19 ở Myanmar, hai bác sĩ nói rằng có thể do xét nghiệm bị hạn chế. Bác sỹ Khin Khin Gyi, phát ngôn viên của Bộ Y tế Myanmar cho biết, nước này mới thực hiện khoảng hơn 300 xét nghiệm từ tối thứ Hai (23/03) cho dân số 55 triệu người. Theo Viện Công nghệ & Nhân lực Quốc tế, đây là một tỷ lệ xét nghiệm rất thấp với một đất nước có đường biên giới dài 2.100km và nhiều kẽ hổng với Trung Quốc, nơi bùng phát Covid-19 đầu tiên với hơn 81.000 ca và Thái Lan, nơi đã ghi nhận 1.136 trường hợp (tính đến 28/03), cộng với hàng ngàn du khách quốc tế từ châu Âu, Bắc Mỹ đổ về sân bay quốc tế Yangon và các trạm kiểm soát biên giới trên đất liền trước khi lệnh cách ly có hiệu lực từ tuần này (24/03) và lệnh đóng cửa toàn bộ biên giới bắt đầu từ tuần trước (18/03).

Bà Khin Khin Gyi cho biết thêm: “WHO nói với chúng tôi, xét nghiệm, xét nghiệm và xét nghiệm. Nhưng chúng ta nên xét nghiệm ai? Họ đã nói cụ thể rằng chúng tôi nên xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ… Chúng tôi không xét nghiệm ngẫu nhiên. Cho đến gần đây, mỗi xét nghiệm đều phải được sự chấp thuận của Ủy ban trung ương phòng chống SARS-CoV-2 đặt tại thủ đô Naypyitaw”.

Dọn dẹp tại Bệnh viện Pathein, thị trấn Pathein để phòng chống dịch Covid-19 - Ảnh: Facebook Than Min Htut.
Dọn dẹp tại Bệnh viện Pathein, thị trấn Pathein để phòng chống dịch Covid-19 – Ảnh: Facebook Than Min Htut

Hàng chục ngàn công nhân Myanmar di trú từ các nước làng giềng (như Thái Lan, Trung Quốc, Lào) đã quay trở lại các ngôi làng trên khắp cả nước trong những ngày gần đây khi lệnh đóng cửa biên giới có hiệu lực làm dấy lên lo ngại về sự lây lan của virus SARS-CoV-2 khi xét nghiệm bị hạn chế. Kyaw Ko Ko, một nhân viên cộng đồng của thành phố Meiktila cho biết: “Nếu những người này mang trong mình virus và lan rộng ra, tình hình sẽ rất tồi tệ. Tất cả những gì chúng ta có thể làm là ngồi và chờ đợi đưa đi những nạn nhân tử vong xấu số”.

Chính quyền áp đặt “tự cách ly” đối với công dân Myanmar đã trở về từ các nước láng giềng thông qua các đường biên giới. “Chính phủ không thể thực hiện cách ly tập trung đối với hàng chục ngàn người trở về”, một nhà chức trách nói với Anadolu Agancy vào hôm thứ Ba (24/03).

Một quan chức y tế công cộng Myanmar đã giấu tên nói với CNA (Channel News Asia) rằng các tiêu chí để được xét nghiệm SARS-CoV-2 là rất cao, đó là lý do tại sao cho đến nay, mới chỉ có khoảng hơn 215 người được xét nghiệm trong một quốc gia dân số quy mô 55 triệu người, tính cả người nước ngoài đến nhập cư.

Một trong những trường hợp đầu tiên nhiễm SARS-CoV-2 của Myanmar đã lưu lại dấu vết 10 ngày được chuẩn đoán khi ông ta đi du lịch tới bang Chin ở phía tây bắc của đất nước. Mặc dù bác sĩ Stephan Paul Jost – đại diện của WHO tại Myanmar đã đảm bảo có đủ bộ kit xét nghiệm SARS-CoV-2 cho quốc gia này ở thời điểm hiện tại sẽ không bị hết sớm, với ít nhất 5.000 bộ có thể dùng cho khoảng 1.700 người, cùng với các kế hoạch khác đang được tiến hành nhằm giúp Myanmar có thêm các bộ kit xét nghiệm, bao gồm cả việc Hàn Quốc sẽ viện trợ thêm, song các nhà quan sát vẫn bày tỏ sự quan ngại về những trường hợp bị bỏ sót. Bác sĩ Jost thừa nhận hệ thống chăm sóc sức khỏe của Myanmar còn thiếu sót và cho biết, ưu tiên hàng đầu của quốc gia này hiện nay là “tiếp tục mở rộng xét nghiệm, tiếp tục theo dõi, cách ly và ngăn chặn chuỗi lây truyền”.

Hệ thống y tế công cộng yếu, người dân không có cơ hội tiếp cận

Theo UCA News, nhà sử học Than Myint Oo cho biết, Myanmar có rất ít nguồn lực để có thể kiểm soát được các ổ dịch. Đăng tải trên trang Facebook cá nhân vào ngày 22/03, ông nêu rõ: “Phần lớn người dân ít hoặc không có cơ hội tiếp cận hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Đây là một đất nước mà hàng ngàn người chết mỗi năm vì các bệnh truyền nhiễm. Có thể một số ổ dịch đã không được phát hiện tại những khu vực nơi dịch vụ y tế công cộng hầu như không tồn tại và mọi người đã quen với việc sống và chết mà không được chăm sóc y tế đúng cách”.

Một số bác sỹ lo sợ nếu một vụ dịch lớn xảy ra ở Myanmar, quốc gia có hệ thống y tế được xếp vào hạng tồi tệ nhất thế giới sau nhiều thập kỷ bị bỏ quên dưới sự cai trị của quân đội. Nhiều dịch vụ y tế hiện nay được điều hành bởi những tình nguyện viên và các nhóm viện trợ.

Đại xứ quán các nước cũng đưa ra lời cảnh báo công dân nước họ nên rời khỏi Myanmar, tránh bị mắc kẹt trong một đất nước mà theo như nhà phân tích Richard Horsey (sống tại Yangon) mô tả với AFP là có hệ thống y tế công cộng thuộc hạng yếu nhất trên thế giới.

Bác sĩ Stephan Paul Jost – đại diện của WHO tại Myanmar nhận xét: “Myanmar biết rằng họ không thể xem nhẹ hệ thống y tế công cộng của họ và không cho phép điều đó xảy ra”. Những nỗ lực của Myanmar đang được thực hiện để cải thiện tình hình bao gồm: Thành lập một ủy ban cấp cao từ tháng 1, chuẩn bị 17 bệnh viện quân đội và các cơ sở kiểm dịch trên khắp cả nước để đối phó với SARS-CoV-2.

Cơ sở hạ tầng y tế yếu kém tại Myanmar - Ảnh: ILO
Cơ sở hạ tầng y tế yếu kém tại Myanmar – Ảnh: ILO

Cơ sở hạ tầng y tế yếu kém

Các nhân viên y tế địa phương gần đây đã bày tỏ sự lo ngại về cơ sở hạ tầng y tế yếu kém của nước này. Trong nhiều ngày qua, hàng loạt lời cầu xin sự hỗ trợ của các bác sĩ và nhân viên y tế về kit xét nghiệm và biện pháp bảo hộ đã lan truyền trên mạng xã hội.

Tại thị trấn Pathein, một bác sỹ đã lên Facebook để xin tài trợ nguồn lực, khi bệnh viện của ông chỉ có 07 giường trong khu cách ly, duy nhất một máy thở, và không còn cách nào để sẵn sàng đối phó với virus. “Nếu chúng ta có nhiều hơn 07 bệnh nhân, chúng ta sẽ để họ ở đâu?” – Bác sĩ trưởng bệnh viện – Than Min Htut đã viết.

Sai Badar, người đứng đầu một bệnh viện ở vùng Ayeyawaddy cho biết các nhân viên y tế đang phải đối mặt với tình trạng thiếu khẩu trang và các thiết bị bảo hộ khác. “Chúng tôi không có bất kỳ PPE (personal protective equipment – thiết bị bảo hộ cá nhân) nào do Chính phủ cung cấp, mặc dù khu vực này có hàng ngàn người trở về từ Thái Lan trong vài ngày qua” – ông nói với Anadolu Agency qua điện thoại. Hàng chục người trở về đã được đưa vào bệnh viện sau khi họ cho thấy các triệu chứng của virus Corona. Nhưng ông cho biết, chưa có ai được xét nghiệm một cách tích cực. “Các nhà chức trách đã không chuẩn bị tốt để đối phó với tình huống này và điều đó đặt chúng ta vào một tình thế rủi ro và nguy hiểm” – ông nói. Tuy nhiên, bệnh viện này gần đây đã nhận được 10 PPE do một doanh nhân địa phương tặng.

Để giải quyết tình thế, Bộ Y tế gần đây đã ký thỏa thuận với một nhà máy thuộc sở hữu của Cobes Industries (Hong Kong) có trụ sở đặt tại Bago vào thứ Tư (24/03) để mua 100.000 PPE cho các bác sỹ, nhân viên chăm sóc y tế tuyến đầu nhằm tránh lây chéo virus từ bệnh nhân và những người nghi nhiễm, theo Ủy ban Khu công nghiệp Bago cho biết. Công nhân của nhà máy đang chạy đua với thời gian để đáp ứng đúng thời hạn giao 20.000 PPE cho Bộ vào tuần đầu tiên của tháng Tư.

Một giáo sư tại Đại học Y khoa ở Yangon cho biết chính phủ đã thất bại trong việc ngăn chặn virus thông qua việc phát hiện sớm và cách ly những người nhiễm bệnh. “Bộ cho biết không có trường hợp nào được xác nhận cho đến thứ Hai (23/04), nhưng họ mới chỉ xét nghiệm khoảng 200 trường hợp nghi nhiễm. Vẫn chưa đủ!” – Vị giáo sư nặc danh cho biết với Anadolu Agency.

“Điều này có lẽ là do quốc gia này chỉ có một phòng thí nghiệm để xét nghiệm virus Corona. Nhưng vấn đề là chính phủ đã thất bại trong việc cung cấp hoặc nâng cấp các thiết bị và nguồn lực của phòng thí nghiệm này trước khi các trường hợp bắt đầu được báo cáo” – Ông nói.

Theo Frontier Myanmar, một tạp chí tin tức và kinh doanh bản địa, Phòng thí nghiệm Y tế Quốc gia tại Yangon chỉ có 07 nhà vi trùng học và 04 máy thí nghiệm. “Myanmar đã thất bại cho một nỗ lực xét nghiệm và kiểm dịch mạnh mẽ” – Vị giáo sư kết luận.

Xung đột nội bộ đất nước

Ngay sau khi giành được độc lập từ thực dân Anh từ năm 1948, tại Myanmar luôn diễn ra các xung đột lớn nhỏ liên quan đến sắc tộc, tôn giáo, ly khai tại những nơi người Rohingya, Karen, Chin và Kachin sinh sống (các bang Rakhine, Chin, Sagaing, Kachin, Kayin). Hiện nay, các cuộc xung đột này vẫn tiếp tục diễn ra. Gần đây ngày 16/03, ít nhất 21 dân làng đã thiệt mạng tại thị trấn Paletwa, bang Chin khi quân đội Chính phủ Myanmar (Tatmadaw) giao chiến với quân đội Arakan. Cũng với cuộc chiến này vào ngày 23/03, hơn 700 ngôi nhà của dân làng tại thị trấn Kyauktaw thuộc bang Rakhine đã bị thiêu rụi.

Xung đột, nội chiến giữa lúc này có thể khiến giới chức trách và nhà cầm quyền Myanmar bị phân tâm trong công tác ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh. Chính phủ nước này đã phải đối mặt với những chỉ trích công khai vì phản ứng chậm chạp trước sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Chính phủ, Quốc hội và nhiều tổ chức khác của Myanmar cũng chủ yếu do những người lớn tuổi lãnh đạo – nhóm nhân khẩu dễ bị tổn thương nhất bởi Covid-19.

Thành Lê (Tạp chí VietTimes)